Hiểu biển cấm dừng, đỗ xe thế nào để không bị phạt?

Trên thực tế, có nhiều tài xế mới lấy bằng hoặc ít lái xe chưa phân biệt rõ hai loại biển báo "Cấm đỗ xe" và "Cấm dừng, đỗ xe". Do đó vẫn còn một số lầm tưởng rằng, nếu chỉ dừng xe khoảng vài phút, bật đèn cảnh báo và không rời khỏi ghế lái thì có thể dừng xe ở bất cứ nơi đâu. Điều này khiến không ít người nhận biên bản xử phạt nhưng bản thân còn bỡ ngỡ.

Hiểu biển cấm dừng, đỗ xe thế nào để không bị phạt? - Ảnh 1.

Nhiều tài xế bị phạt vì chưa hiểu đúng nghĩa của biển cấm dừng, đỗ xe

Trò chuyện cùng PV Thanh Niên, anh Đ.M.H ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM cho biết, bản thân vừa phải đi đóng phạt lỗi đỗ xe ở nơi có đặt biển "Cấm đỗ xe" trên đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Anh H. chia sẻ: "Lúc đó tôi chỉ dừng khoảng 4 – 5 phút để chờ đón bạn, xe vẫn nổ máy và tôi vẫn ngồi bên trong xe". Tuy nhiên, lực lượng chức năng cũng giải thích hành vi của anh H. đã vi phạm quy định về nơi đặt biển cấm dừng và đỗ dù chỉ trong thời gian ngắn.

Trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có giải nghĩa rõ ràng hai trạng thái dừng xe và đỗ xe.

Căn cứ theo khoản 1, điều 18 của bộ luật này, trạng thái dừng xe là phương tiện đứng yên tạm thời trong một khoảng thời gian ngắn, đủ để người lên, xuống xe hoặc xếp dỡ hàng hóa, kiểm tra kỹ thuật và thực hiện một số hành động khác. Trong thời gian dừng xe, tài xế không được tắt máy và rời khỏi vị trí ghế lái trừ các trường hợp cần thiết như phải mở cửa xe, xếp dỡ hàng hóa nhưng vẫn phải đảm bảo các biện pháp an toàn như cài phanh.

Trong khi đó, khoản 2, điều 18 của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng giải thích rõ đỗ xe được định nghĩa là trạng thái đứng yên không giới hạn thời gian. Người điều khiển phương tiện có thể tắt máy và rời khỏi xe nhưng trước đó phải bật phanh tay hoặc có các biện pháp an toàn. Ngoài ra, khi đậu xe trên đoạn đường dốc, tài xế cần đánh lái về phía lề đường hoặc chèn bánh xe để tránh tình trạng xe bị trôi.

Hiểu biển cấm dừng, đỗ xe thế nào để không bị phạt? - Ảnh 2.

Nhiều tài xế đỗ xe và rời khỏi ô tô tại đoạn đường có biển cấm dừng xe

Tương ứng với hai khái niệm này là hai loại biển báo giao thông rõ ràng nhưng nhiều tài xế ít để ý, vẫn thường nhầm lẫn là biển "Cấm dừng và đỗ xe" (P.130) và "Cấm đỗ xe" (P.131).

Căn cứ theo Thông tư 51/2024/TT-BGTVT và Quy chuẩn QCVN 41:2024/BGTVT, biển P.130 báo hiệu cấm tất cả hành vi dừng và đỗ xe tại khu vực đặt biển, trừ xe được ưu tiên. Biển có hiệu lực từ vị trí đặt biển đến nơi giao nhau hoặc đến khi có biển "Hết tất cả các lệnh cấm"…

Trong khi đó, biển P.131 chỉ cấm đỗ xe, nhưng vẫn cho phép dừng tạm thời, miễn là tài xế không rời khỏi xe và phải tuân thủ điều kiện an toàn theo luật.

Xem thêm các nội dung khác hấp dẫn và mới nhất tại TOYOTA Miền Bắc

Dừng, đỗ xe không đúng quy định bị phạt thế nào?

Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm biển cấm dừng, đỗ xe cũng được quy định rõ tại điểm e, khoản 3, điều 6 của Nghị định 168/2024/NĐ-CP (Nghị định 168).

Cụ thể, người điều khiển phương tiện đỗ xe ở nơi có biển "Cấm đỗ xe" hoặc "Cấm dừng và đỗ xe" sẽ bị xử phạt từ 800 ngàn đến 1 triệu đồng.

Trong khi đó, hành vi dừng, đỗ xe sai quy định, gây ùn tắc giao thông, mức phạt sẽ tăng lên từ 4 – 6 triệu đồng và tài xế bị trừ 2 điểm trên giấy phép lái xe. Mức xử phạt được nêu rõ theo điểm k, khoản 5, điều 6 của Nghị định 168.

Trên thực tế, không ít người chủ quan cho rằng chỉ cần "đậu một chút rồi đi" hoặc "đang ngồi trên xe là không sao"… nhưng quy định hiện hành không dựa trên cảm tính. Hiểu rõ sự khác biệt giữa "dừng xe" và "đỗ xe", cùng với việc quan sát đúng biển báo tại khu vực đậu xe sẽ giúp tài xế tránh bị xử phạt.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

097.676.8888